
Phần 3 của chuyến hành trình Little Italy của mình, như đã hứa, sẽ về pasta và các món ăn trong nhà hàng Ý nói chung. Mình là đứa khá thích ăn đồ Ý nhưng không ăn thường xuyên vì khá là béo và ngậy. Đánh giá chung của mình là đồ ăn Ý rất tinh tế thông qua việc kết hợp những nguyên liệu cực kì tươi cùng với các loại phô mai nguyên chất. Tuy nhiên, một vấn đề mà mình thường gặp phải khi vào những nhà hàng Ý là chẳng biết gọi món gì cho phù hợp cả. Ngồi nhìn thực đơn mà mình cứ phải “google” liên tục xem loại sốt này trông như thế nào, loại mì này trông ra sao, một phần cũng vì tên món ăn là tiếng Ý 😰. Không những thế, thứ tự món ăn (khai vị, món chính, …) cũng khiến mình khá bối rối và mình nghĩ nhiều bạn cũng gặp trường hợp tương tự. Chính vì vậy, bài viết hôm nay sẽ cung cấp thêm những kiến thức ăn uống để bạn có thể tự tin bước vào nhà hàng Ý hơn ở những lần sau 🤗.
Đầu tiên là học cách đọc thực đơn món Ý. Như các bạn cũng thấy, thực đơn được chia ra làm nhiều phần khác nhau, thông thường là:
Antipasti: món khai vị của Ý, có thể là bánh mì cùng sốt, các loại súp, thịt nguội, phô mai. Khẩu phần ăn khá là nhỏ vì chúng sẽ kích thích vị giác của bạn cho những món ăn sau.
Primi: món ăn chính đầu tiên, thường là pasta, risotto (một loại cơm của Ý), súp. Phần ăn của Primi khá nhỏ nếu ăn trong những nhà hàng sang trọng nhưng cũng có thể nhiều hơn nếu bạn chọn đây là món chính duy nhất của mình.
Secondi: món ăn chính thứ hai cũng là phần quan trọng nhất của bữa ăn, thường có thịt, cá hoặc các loại rau củ. Các món ăn phổ biến bao gồm pollo (gà), bistecca (steak), gamberi (tôm), … Có ba cách chính để chế biến các loại thịt: al forno (đút lò), fritto (chiên/rán), alla griglia (nướng).
Dolci: món tráng miệng như gelato, cannoli, panna cotta, …
Digestivi (rượu mạnh), Caffè (cà phê), Bevande (rượu vang, bia, nước khoáng có ga): các loại thức uống được dùng sau bữa ăn.
Phù 😢, nhiều thứ để nhớ quá nhỉ? Tuy nhiên, bạn không cần gọi tất cả các phần trong thực đơn, quy tắc thường là từ 2 phần khác nhau trở lên là được, ví dụ như Primi và Dolci chẳng hạn. Mỗi nhà hàng có thể thay đổi để có cách gọi riêng nên nhiều lúc bạn sẽ không thấy được các từ ngữ giống chính xác như vậy.
Tiếp theo mình muốn nói thêm một chút về các loại pasta và sốt ăn kèm của người Ý. Về các tên gọi pasta, bạn có thể tham khảo trang web này để thấy được các hình dáng khác nhau của pasta Ý. Nhìn chung thì có ba loại chính:
Pasta khô: thường được đóng hộp và giữ được rất lâu
Pasta tươi: được làm “tươi” và bảo quản với thời gian ngắn hạn hơn
Pasta có nhân: miếng pasta khá to và được gói các loại nhân khác nhau
Mỗi lần gọi pasta mình lại phải chọn trong một “ma trận” sốt ăn kèm mà hoa cả mắt. Thế nên, mình liệt kê dưới đây một số loại pasta thường gặp cùng sốt đi kèm phù hợp để bạn tham khảo thêm nhé.
Pasta khô
Trenette: pesto
Rigatoni: Amatriciana, Carbonara
Spaghetti: Carbonara, Norma
Chitarra: Tartufi, Vongole
Penne: Arrabbiata, Bolognese
Conchiglie: sốt cà chua
Maccheroni: sốt cà chua
Pasta tươi
Capellini: nước hầm xương
Pappardelle: Cacciatora
Fettuccine: Funghi (nấm), pesto
Maltagliati: Funghi, sốt thịt
Linguine: Vongole, allo Scoglio (hải sản), pesto
Chitarra: Vongole
Pasta có nhân
Agnolotti: sốt thịt
Cappelletti: nước hầm xương
Tortellini: Panna (sốt kem), Quattro formaggi (bốn loại phô mai)
Lasagne: ăn cùng thịt, rau củ hoặc cá
Đọc đến đây cũng hoa cả mắt rồi nên mình dừng lại ở đây nhé. Hành trình ẩm thực Ý của mình đến đây là kết thúc. Hi vọng bạn sẽ thấy bài viết này có ích và hẹn gặp bạn ở những bài viết sau!😊
Hình ảnh và tài liệu tham khảo từ:
http://www.yourguidetoitaly.com/types-of-pasta.html
https://www.zuckerjagdwurst.com/en/recipes/homemade-italian-antipasti-platter/