[BÁNH TRUNG THU] CHỌN KHUÔN, CHIA, NƯỚNG & BẢO QUẢN BÁNH

⭐ KHUÔN BÁNH TRUNG THU

IMG_9219

Đối với các bạn tập làm bánh thì việc chọn khuôn khá là quan trọng, nhất là khi thị trường càng có nhiều loại khuôn khác nhau. Vì vậy, mình muốn tóm tắt về việc phân biệt các loại khuôn khác nhau để bạn có thể mua được loại ưng ý nhất. Có 3 loại khuôn chính:

1/ Khuôn gỗ

Khuon-go
Khuôn gỗ truyền thống

Đây có lẽ là loại khuôn lâu đời nhất và mang đậm chất truyền thống cho bánh. Mình từng sử dụng khuôn này từ khá lâu rồi và thấy dù rất bắt mắt nhưng có một số khuyết điểm lớn. Thứ nhất là sử dụng khá khó. Khuôn gỗ chắc chắn không phải là sự lựa chọn cho những bạn bắt đầu làm bánh vì bánh sẽ dễ bị mất hình thù hay vỡ nát nếu không cẩn thận. Thứ hai là việc bất tiện khi vệ sinh và bảo quản khuôn. Khuôn gỗ khá nặng và dễ bị ẩm mốc nên cần vệ sinh đúng cách.

2/ Khuôn nhựa

IMG_9220
Khuôn lò xo của mình

Loại phổ biến nhất là khuôn có lò xo và đây cũng là loại mình đang dùng. Khuôn lò xo rất dễ sử dụng và có nhiều mẫu khác nhau cho bạn thay đổi nên rất thích hợp với những ai mới bắt đầu làm bánh. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có khuôn nhựa Singapore cũng rất được ưa chuộng vì cho ra bánh cực kì nét. Tuy nhiên, khuôn có giá thành hơi cao và cũng khó sử dụng hơn. Nếu làm bánh cho trẻ em thì bạn còn có thể sử dụng khuôn nhựa nhỏ có đủ hình thù khác nhau.

3/ Khuôn silicon

Loại khuôn này có ưu điểm là dễ lấy bánh và bền hơn khuôn nhựa. Tuy nhiên, mình thấy khuôn silicon sử dụng cho các loại Trung Thu rau câu hay bánh dẻo thì phù hợp hơn là bánh nướng.

Khi chọn khuôn, ngoài việc chú ý đến chất liệu của khuôn như mình đã đề cập, bạn nên xem xét kích thước khuôn và hoa văn trên mặt bánh. Khuôn bánh có nhiều khối lượng, từ 75g đến 250g tuỳ loại và đi kèm là rất nhiều hoa văn khác nhau. Một bộ khuôn có thể gắn bó với bạn trong nhiều năm nên bạn cần cân nhắc kĩ và chỉ nên chọn 1-2 bộ là được.

⭐ CHIA BÁNH

Tỉ lệ bánh nướng Trung Thu thường là 1 vỏ : 2 nhân còn bánh dẻo thì ngược lại. Nếu bạn thích ăn vỏ dày hơn thì có thể thay đổi tỉ lệ này. Dưới đây là một số công thức chia bánh để bạn tham khảo:

Khối lượng bánh         Nhân Vỏ
75g 50g 25g
100g (105g) 70g 35g
125g (135g) 90g 45g
150g 100g 50g
200g 130g 70g

⭐ NƯỚNG BÁNH

Việc nướng bánh tuỳ thuộc rất nhiều vào lò nhà bạn cũng như kinh nghiệm làm bánh, càng làm nhiều lần thì bạn sẽ canh bánh tốt hơn. Vì nhân bánh đã được làm chín, khâu nướng bánh chỉ giúp làm chín và đều màu phần vỏ mà thôi. Lưu ý là bạn không nên dùng khay đen kèm lò vì dễ gây cháy đáy bánh. Có hai giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: Xếp bánh lên khay có lót giấy nến, nướng bánh ở nhiệt độ 180 độ C, hai lửa trong khoảng 10 phút hoặc đến khi hội đủ 3 yếu tố: mặt bánh xém vàng, thành bánh trở đục và đáy bánh vàng đều. Bạn có thể quay khay nướng sau 5 phút để bánh được vàng đều hơn.

Giai đoạn 2: Lấy bánh ra khỏi lò, xịt đầy nước lên mặt bánh và để nghỉ 5-10 phút. Nâng nhiệt độ lò lên 190 độ C và dùng cọ quét mặt bánh. Khi nhiệt đã đều lò thì cho bánh vào nướng thêm 8-10 phút nữa là được.

IMG_9221
Bánh được xít nước sau khi nướng lần 1

⭐ BẢO QUẢN BÁNH

Bánh sau khi nướng cần được bảo quản ở nơi khô thoáng và có thể dùng sau 2-3 ngày, lúc vỏ bánh đã mềm và trở màu đẹp hơn. Bánh có thể để ở nhiệt độ phòng trong khoảng 1 tuần và trữ đông 1-2 tháng. Khi ăn bạn chỉ cần đem bánh từ ngăn đông ra ngoài và chờ bánh nguội lại ở nhiệt độ phòng là được, không được nướng hay quay lò vi sóng nha. Có thể dùng túi hút ẩm để bảo quản bánh được lâu hơn.

IMG_9662