KHAI BÚT ĐẦU NĂM – TẾT MÌNH ĂN GÌ?

Dạo này mình chưa viết bài nào mới cả nên trang blog đóng bụi mất rồi. Thôi thì Tết đến Xuân về, mình lại khai bút đầu năm nhé. Bài viết hôm nay tất nhiên là về Tết rồi. Trước khi nói về các món ăn ngày Tết của gia đình thì mình xin phép tâm sự xiu xíu về Popup Baking nha.

IMG_1816
Du học sinh ăn Tết 🥳

TÂM SỰ ĐẦU NĂM

Trang blog này mình thành lập trước hết là muốn chia sẻ với mọi người các công thức bánh trái và nấu nướng, sau đó là những trải nghiệm của mình về thế giới ẩm thực xung quanh. Với những bài viết này, mình hi vọng sẽ lan toả tình yêu bánh trái đến tất cả mọi người, dù bạn có là người làm ra sản phẩm hay là người thưởng thức chúng. Tính đến nay thì Popup Baking cũng được tầm 7 tháng tuổi và mục tiêu của mình vẫn thế. Chưa bao giờ mình nghĩ lại có thể cho ra đời một trang blog để lưu lại chặng đường bước vào thế giới ẩm thực của mình nhưng giờ nó đã hiện hữu trước mặt mình rồi đây. Vì thế, mình muốn gửi lời cám ơn chân thành nhất đến BẠN đã ghé thăm blog của mình. Dù bạn tìm đến Popup Baking để đọc bài giải trí hay thực sự thử những công thức mình chia sẻ thì mình đều trân trọng sự ủng hộ của bạn.😊

Năm 2018 là năm mà mình cho ra đời nhiều thử nghiệm với trang blog, thành công có mà thất bại cũng cực kì nhiều. Tất cả đều là những bài học quý giá mà sẽ theo mình sang năm 2019, một năm với nhiều trải nghiệm hơn và nhiều dự định mà mình ấp ủ. Đầu năm 2019 mình cũng đã cho ra đời kênh YouTube của bản thân với mục tiêu là “Entertainment” và “Education”. Entertainment vì mình muốn chia sẻ thêm các khía cạnh khác trong cuộc sống, những gì mình được thấy, nghe và cảm nhận. Education ở đây là những kiến thức mà mình học được bắt đầu từ lúc đi du học mà bạn không thường xuyên thấy được ở trên báo đài. Tất cả đều dựa trên trải nghiệm cá nhân và mình hi vọng cùng với trang blog này, mình sẽ đóng góp một phần nhỏ để cuộc sống của bạn thú vị hơn. Ngoài hai dự án này thì mình còn đi học, đi làm như bao người bình thường khác nên quỹ thời gian rảnh để viết blog, quay vlog cũng hạn hẹp. Tuy nhiên mình sẽ cố gắng hết sức để ra sản phẩm đều đặn hơn, viết lên đây chia sẻ với bạn để mình quyết tâm hơn vì lỡ nói hết cho bàn dân thiên hạ rồi, không chịu làm thì quê chết.😝

Kết thúc phần tâm tình ở đây, mình một lần nữa cám ơn sự ủng hộ của BẠN và hi vọng sẽ gặp lại bạn nhiều lần nữa nhé!

MÓN ĂN NGÀY TẾT

Tết là dịp để mọi người sum vầy sau một năm làm việc vất vả. Ngoài gặp gỡ họp mặt thì một hoạt động quan trọng không kém là ĂN. Bữa ăn ngày Tết đối với mình là điều gì đó cực kì đặc biệt và mình tin nhiều bạn cũng cảm nhận như vậy. Vì đi du học nên mình lỡ mất bốn cái Tết ở Việt Nam rồi và dự là sẽ lỡ thêm vài cái nữa trong tương lai. Ở nơi mình học thì mọi người cũng tổ chức tiệc ăn mừng rất thịnh soạn, không thua kém gì ở Việt Nam đâu. Nếu bạn muốn xem bọn mình ăn Tết như thế nào thì mình đã quay hẳn một clip luôn đấy.

Tuy tổ chức tiệc linh đình thế nhưng đối với mình bữa tiệc gia đình là không thể nào thay thế được, đặc biệt là Tết theo kiểu người Hoa như nhà mình lại càng hiếm hoi hơn. Thế nên mình đành ăn Tết qua con chữ vậy, mời bạn vào bàn tiệc cùng mình để xem có gì khác lạ không nhé.😉

1/ Bánh chưng, bánh tét

Nhắc đến Tết thì không thể thiếu bánh chưng, bánh tét rồi. Tuy nhiên, tuổi thơ mình lại không gắn liền với loại bánh này lắm, một phần do phong tục gốc Hoa của nhà mình. Nhưng mà năm nào cũng được người ta biếu cho vài cái thế nên coi như là Tết mình cũng ăn bánh chưng, bánh tét nhé.

banh chung

Từ thời xưa thì khoảng 25 tháng Chạp trở đi các gia đình bắt đầu làm bánh chưng, bánh tét để cúng ông bà, tổ tiên. Nguyên liệu chính thường là gạo nếp, thịt heo, đậu xanh, lá và dây lạt. Ở mỗi miền, do vị trí địa lý và điều kiện văn hoá, lại cho ra những phiên bản khác nhau của loại bánh này. Miền Bắc thì bánh chưng được gói vuông vức và tuân theo nguyên tắc “đỗ trong gạo, gạo trong lá” để phần nhân được cân đối với phần nếp. Miền Nam thì lại ưa chuộng bánh tét hơn với hình trụ dài chứ không vuông vức như bánh chưng. Về phần nguyên liệu thì bánh tét cũng như bánh chưng nhưng người ta sử dụng lá chuối để gói thay cho lá dong. Ngoài ra miền Nam cho ra nhiều loại bánh tét khác nhau như là bánh tét chay hay là bánh tét ngọt (nhân chuối). Còn miền Trung thì là nơi giao thoa ở giữa, người dân thường gói cả bánh chưng và bánh tét. Bánh chưng miền Trung thì ít nhân và nhỏ hơn loại ở miền Bắc, còn bánh tét thì chỉ để dùng trong gia đình chứ không đem đi biếu như người miền Nam. Dần dần xã hội phát triển hơn, phong tục được hoà quyện giữa các miền nên giờ dù ở miền nào thì bạn cũng có thể thưởng thức được bánh chưng, bánh tét truyền thống cả.

2/ Bánh tổ

Nếu người Việt có bánh chưng, bánh tét để cúng tổ tiên thì người Hoa có loại bánh tổ, một loại bánh cực kì truyền thống mà không thể thiếu trong dịp Tết của người Hoa sinh sống lâu năm ở Sài Gòn. Bánh tổ phiên âm theo tiếng Hoa là “nian gao” có nghĩa là năm mới sẽ tốt đẹp hơn năm cũ. Tiếng Quảng nhà mình hay gọi đó là lùng kú, người Việt ban đầu gọi là bánh ổ, sau này đọc lệch dần thành bánh tổ. Với vài nguyên liệu đơn giản bột nếp và nước đường là đã cho ra chiếc bánh tổ thơm ngon cực kì. Vì chỉ có vài nguyên liệu nên phải chọn loại thật ngon, như là bột thì phải xay từ gạo nếp mới, nước đường thì nhà mình hay nấu với một ít gừng, khi ăn có vị hơi cay cay. Trong lúc làm bánh thì người lạ thường không được xuống bếp xem vì chủ nhà tin rằng có hơi người lạ thì bánh sẽ hỏng. Bánh có vị ngọt vừa phải, sau khi hấp ra thì dẻo quẹo, khó cắt cực kì. Mình thường đợi vài ngày sau đó mới ăn, lúc đó bánh có độ dai mềm vừa phải, nhai nhai sướng cả miệng. Bánh tổ để thêm tầm một tuần nữa, tức là sau Tết, thì cứng hơn nhiều. Lúc này thì má mình thường cắt thành miếng mỏng, nhúng qua lớp trứng rồi chiên lên, ăn lại có vị ngon riêng. Bánh tổ nhà làm luôn là ngon nhất, khi nào có thời gian mình sẽ ghi công thức làm loại bánh này nha.

banh_to
Bánh tổ giống loại mình ăn nhất

3/ Các món chay

Khác với các gia đình Việt thường ăn thịt hoặc các món ăn thịnh soạn mùng 1 Tết, nhà mình thì lại ăn nhiều món chay trong ngày này. Thường thì sẽ có một món xào, một món kho và một món canh trong bữa ăn. Mẹ mình thường hay kho nấm rơm và chả chay (làm từ tàu hũ ky) cùng nước tương, canh thì nấu cải thảo cùng với nấm và bún tàu. Món xào thì nhiều nguyên liệu hơn, thường có nấm đông cô, tàu hũ ky chiên, kim châm, bún tàu và cải thảo. Phần lớn các loại nguyên liệu thường được mẹ mình chuẩn bị đêm giao thừa để cúng tổ tiên, sang mùng 1 thì dùng để chế biến món ăn. Xoay quanh một vài nguyên liệu là đã có bữa cơm ngon tuyệt vời rồi. Tiếc là mình không có hình ở đây 😔, lúc nào mình có nấu thì sẽ chụp lại cho bạn xem nhé.

4/ Thịt heo quay

banh hoi heo quay

Nếu mùng 1 nhà mình ăn chay thì mùng 2 sẽ ăn thịt, mà cụ thể là thịt heo quay. Thường thì sáng mùng 2 nhà mình sẽ ra quán Phát Thành trên đường Bùi Hữu Nghĩa để mua một miếng thịt heo quay vừa ra lò, da thì cực giòn còn thịt thì mọng nước. Ăn cùng với thịt heo là bánh hỏi, xà lách để cuốn và nước mắm pha. Khi ăn thì lấy một miếng xà lách to, đặt bánh hỏi và thịt vào trong, cuộn lại rồi chấm vào nước mắm. Ui, mới nhắc thôi mà mình đã thèm lắm rồi ấy.

5/ Chè ỉ (chè trôi nước)

che i
Đây là phiên bản gần giống nhất mà mình tìm được

Nói nhiều món mặn rồi thì phải kể đến món tráng miệng chứ nhỉ. Trong tiếng Triều Châu (hay còn gọi là tiếng Tiều) thì “ỉ” có nghĩa là viên tròn. Chè ỉ bao gồm những viên nếp tròn, không nhân và được nấu cùng với nước đường gừng, khi ăn rắc mè lên mặt. Nhà mình hay cúng chè ỉ với mong muốn gia đình sẽ luôn được đoàn viên.

Đó là 5 món ăn chính trong ngày Tết của một gia đình gốc Hoa như mình, còn bạn ăn Tết như thế nào? Comment bên dưới để chia sẽ với mình nha.😘

Nguồn hình ảnh từ Google Image