BÁNH BÒ MàLAI

Bánh bò có lẽ là một trong những loại bánh mà khiến mình “sợ” làm nhất vì khả năng thất bại khá cao. Mình thử khá nhiều công thức và ra nhiều kết quả khác nhau. Công thức truyền thống sử dụng cơm rượu lên men thì rất thành công và mùi vị thì giống ở ngoài tiệm bán nhưng khá tốn thời gian, và nguyên liệu thì cũng không phải dễ mua, như mình ở Mỹ chẳng hạn. Các công thức khác thì có lúc được lúc không và thật sự khiến mình khá là nản với loại bánh “khó chiều” này. Nhưng một hôm tình cờ mình đọc được công thức Bánh bò Mã Lai trên mạng nhìn rất hấp dẫn, mình quyết định làm thử lần cuối xem sao. Và kết quả thì thật là tuyệt vời! Bánh không bị xẹp và có rễ tre rất nhiều. Ngoài ra, bánh có mùi vị cà phê caramel thơm lừng khiến mình không thể ngừng ăn được. Nhưng có lẽ điều tuyệt với nhất chính là công thức này khá dễ làm và nguyên liệu cũng cực kì đơn giản nữa. Sau vài lần làm thì mình đã điều chỉnh lại công thức cho hợp ý mình hơn.

Thời gian: 15 phút (chuẩn bị) + 15 phút (chờ) + 40 phút (nướng bánh)

Độ khó: 3/5

Số lượng: 1 bánh tròn (đường kính 20 cm)

Nguyên liệu

Hỗn hợp 1

  • 100g đường trắng
  • 180g nước sôi
  • 125g bơ nhạt

Hỗn hợp 2

  • 4 trứng gà
  • 1/3 hộp sữa đặc (1 hộp: 390g -> 1/3 hộp: 130g)
  • 135–140g bột mì đa dụng
  • 5g baking soda
  • 1 tsp vanilla extract — không bắt buộc

Thực hiện

1. Ở hỗn hợp 1, cho đường trắng vào nồi và nấu lửa nhỏ cho đường tan chảy hết. Ở bước này không cho thêm nước và không khuấy đường. Đến khi có màu ưng ý (mình thường lấy màu caramel của bánh flan làm gốc) thì bắc nồi ra bếp và đổ nước sôi vào.

Lưu ý: đổ từ từ nước sôi vào để tránh bắn vào người, dễ gây bỏng

2. Bắc nồi lên bếp lại, mở lửa, cho bơ vào quậy cho tan đều, tắt bếp rồi để hỗn hợp nguội bớt. Không nên để hỗn hợp sôi quá lâu, nước bốc hơi nhiều sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ chất lỏng trong bánh.

IMG_0932

3. Ở hỗn hợp 2, đập trứng vào tô và khuấy nhẹ cho tan trứng, tránh để nổi quá nhiều bọt. Mình thường hay dùng một cây kéo cắt nhẹ nhàng phần lòng đỏ trứng đồng thời giúp trứng hoà quyện vào nhau.

4. Cho từ từ sữa đặc vào khuấy cho đều, tránh nổi nhiều bọt khí. Sau đó cho hỗn hợp 1 đã để nguội vào khuấy đều.

5. Trộn bột mì và baking soda rồi rây vào hỗn hợp trên, trộn nhẹ nhàng. Bột không cần phải tan hết, còn một ít lợn cợn nhỏ cũng được nên bạn đừng trộn quá lâu, bánh sẽ bị chai.

6. Để hỗn hợp nghỉ 15 phút. Trong lúc đó, bật lò lên 190 độ C, chế độ hai lửa.

7. Sau khi bột bánh được nghỉ, lược hỗn hợp qua một cái rây vào khuôn bánh. Để bánh ra nhiều rễ tre thì bạn không nên chống dính khuôn mà cứ lược trực tiếp hỗn hợp vào.

IMG_1463

Lưu ý: Mình chưa bao giờ bị bánh dính chặt ở đáy khuôn khi lấy ra lò khi không chống dính khuôn. Tuy nhiên, mình cũng nhận thấy được có khá nhiều bạn gặp vấn đề này. Nguyên nhân có thể do nhiệt độ lò nướng quá cao hoặc phần đong đếm nguyên liệu chưa chính xác. Vì vậy, để chắc chắn thì bạn có thể chống dính đáy khuôn bằng cách lót giấy nến hoặc phết một lớp bơ mỏng lên đáy khuôn. Bánh sẽ cho ra ít rễ tre hơn, nhưng vị vẫn cực kì ngon.

8. Nướng bánh 20 phút ở 190 độ C, sau đó hạ nhiệt độ xuống còn 170 độ C và nướng them 20 phút nữa.

9. Bánh chín lấy ra khỏi lò, có thể dùng tăm xăm vào bánh để thử. Để bánh nguội 15 phút trong khuôn rồi dùng dao sắc róc thành khuôn để lấy bánh ra, đặt trên rack để thoát hơi nước từ đáy bánh.

10. Chờ bánh nguội rồi hãy cắt ra ăn. Bảo quản bánh ở nhiệt độ phòng trong hộp kín hoặc túi có khoá kéo. Bánh có thể ăn trong 2–4 ngày.

Lưu ý:

1. Đường mình sử dụng là đường trắng, cần thắng trên nồi để ra màu. Các bạn sử dụng đường nâu, đường vàng có thể bỏ qua bước này vì đã có sẵn màu.

2. Lượng sữa đặc có thể gia giảm tuỳ theo độ ngọt ưa thích.

3. Các thao tác trộn, khuấy từ bước 3 trở đi cần làm nhẹ nhàng. Đặc biệt ở bước 5 thao tác cần nhanh để bánh không bị chai (do đã bỏ baking soda vào hỗn hợp)

Bánh này có thể phải cần làm nhiều hơn một lần để thành công nên bạn đừng nản chí nhé. Chúc bạn thành công với công thức này. Hình bên dưới là bánh mình có lót giấy nến để thử nghiệm, hoàn toàn cho ra rễ tre (dù ít) và vị bánh rất ngon. 🙂