BÁNH BỊ LỖI, KHẮC PHỤC THẾ NÀO?

Chào mọi người ở tuần cuối cùng tháng 2, vậy là chúng ta chính thức phải nói lời tạm biệt Tết rồi. Ở bài viết này mình cùng bàn về một chủ đề muôn thuở, bánh hỏng, bánh “fail” thì khắc phục như thế nào? Tưởng tượng việc bạn phải bỏ tiền ra mua nguyên liệu này, rồi nhiều công sức để làm ra một chiếc bánh, thế mà đến cuối cùng lại ăn không được hoặc bị lỗi thì công nhận là buồn “thúi ruột”. Mình cũng chẳng nhớ nổi số lần mình thất bại trong lúc làm bánh và đây là một điều hết sức bình thường, ngay cả những thợ bánh, đầu bếp nổi tiếng cũng không tránh khỏi. Quan trọng là sau đấy bạn học được điều gì để làm tốt hơn ở lần sau.

Mình ở trong nhiều diễn đàn, hội nhóm thì thường xuyên thấy anh/chị em đặt câu hỏi chủ yếu về tại sao bánh mình bị thế này, bị thế kia. Phổ biến nhất chính là các loại bánh bông lan (bị xẹp, thắt eo). Theo mình thì việc trao đổi, học hỏi lẫn nhau là cực kì tốt nhưng mấu chốt giải quyết vấn đề vẫn nằm ở bạn, người trực tiếp tạo ra sản phẩm. Có rất nhiều yếu tố quyết định đến chất lượng bánh mà chỉ có bạn biết được, ví dụ như nhiệt độ lò, nguyên liệu, độ ẩm, dụng cụ, thao tác, vân vân và mây mây. Chính vì thế, mình sẽ chia sẻ một số bước cơ bản (mình đã áp dụng) để giúp bạn tìm được nguyên nhân (và cách khắc phục) hiệu quả hơn nhé. Các bước chỉ mang tính tham khảo, bạn có thể thay đổi tuỳ theo từng trường hợp.

Bánh mì nướng cháy đen của mình đây 😂

Bước 1: Đọc kĩ công thức

Nghe qua thì đơn giản, đương nhiên muốn làm bánh thì phải xem công thức rồi. Nhưng mà đây là một bước cực kì quan trọng. Ngoài việc biết nguyên liệu và cách làm thì bạn nên phân tích một tí, ví dụ như những bước chính để làm loại bánh này là gì, tại sao mình phải làm theo thứ tự này, hoặc tại sao lại sử dụng nguyên liệu này, thay thế có được không. Ngoài ra, nếu có thời gian bạn cũng có thể so sánh nhiều công thức khác nhau và phân tích chúng.

Bước 2: Tìm ra các lỗi thường gặp

Ở các loại bánh “khó chiều” như bông lan hay bánh nghìn lớp thì có hàng tá lỗi khác nhau, bạn nên tìm hiểu và ghi chú lại. Trong quá trình làm bánh thì lưu ý những điểm đó.

Bước 3: Ghi chú lại quá trình làm bánh

Sau khi hoàn thành xong bánh, bạn có thể ghi chú lại một số thứ vào sổ hay công thức. Có điều gì bạn làm khác hay không, tác động của những yếu tố bên ngoài.

Bước 4: Tìm lỗi ở từng bước nhỏ

Nếu bánh bị lỗi thì bạn nên rà soát theo thứ tự từng bước, việc này đòi hỏi bạn phải có một kiến thức nền về một số quy tắc cơ bản trong việc làm bánh. Ví dụ để làm ra một chiếc bánh bông lan gồm có các bước chuẩn bị nguyên liệu, đánh trứng, trộn bột, cho vào khuôn, nướng bánh. Bạn cần biết mình làm sai ở khâu nào, liệu kê ra những lỗi có thể gặp phải và tìm cách khắc phục.

Bước 5: Thử nghiệm và thử nghiệm

Làm bánh giống như làm thí nghiệm vậy, khi đã xác định được lỗi rồi thì bạn khắc phục từng lỗi một và ghi chú lại từng lần như vậy. Sau nhiều lần, bạn sẽ cho ra được một công thức phù hợp với mình nhất.

Tất nhiên các bước này thường được áp dụng cho những loại bánh khó nhưng mình nghĩ đây là một thói quen cần được rèn luyện từ những loại đơn giản nhất. Mấu chốt ở đây là sự siêng năng, niềm đam mê và quan trọng hơn hết là kiến thức nền tảng phải vững. Khi bạn hiểu được cách hoạt động hay công dụng của từng bước, của từng nguyên liệu thì hoàn toàn có thể tạo ra được những công thức cho riêng mình và tha hồ sáng tạo. Đó cũng chính là điều mình đang hướng tới và muốn chia sẻ đến bạn, thông qua chuyên mục Back to Basics. Mình không phải chuyên gia hàng đầu nhưng mình tin rằng cách để tiến bộ nhanh nhất là chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Chính vì vậy, Back to Basics sẽ là nơi mình tập trung vào kiến thức căn bản về làm bánh và mình cũng sẽ cố gắng biến những thứ “khô khan” ấy trở nên sống động hơn. Mình hi vọng chuyên mục này sẽ giúp bạn tự tin hơn trong việc làm bánh, khắc phục những lỗi sai nhanh hơn, và trên hết là tha hồ sáng tạo, tìm được niềm vui ở bánh trái nha.

Bonus cho bạn thêm hình những chiếc bánh tart “fail” của mình 😂